Vũ Cao Đàm
1908-2000
Vũ Cao Đàm được coi là một trong bốn nghệ sĩ bậc thầy làm việc tại nước ngoài của Nghệ thuật Hiện đại Việt Nam, cùng với Lê Phổ, Mai Trung Thứ, và Lê Thị Lựu. Ông là sinh viên khoá thứ hai của trường Mỹ thuật Đông Dương (Ecole des Beaux-Arts de l’Indochine). Theo đuổi ngành điêu khắc, trong suốt năm năm theo học, Vũ Cao Đàm chủ yếu thực hành điêu khắc và nặn tượng, mang về một loạt giải thưởng và thu hút nhiều sự chú ý tại Triển lãm Thuộc địa ở Paris. Năm 1932, Vũ Cao Đàm chuyển đến sinh sống tại Paris. Tại đây, ông đăng ký theo học trường Louvre (Ecole du Louvre), thử sức với vẽ tranh. Có một lần danh hoạ Lê Phổ được hỏi: “Ai là hoạ sĩ Việt Nam vĩ đại nhất thế kỷ XX?”, và ông đã trả lời không chút do dự, “Vũ Cao Đàm.”
Xuất thân từ một gia đình trí thức, Vũ Cao Đàm thường vẽ tranh dựa trên văn học Việt Nam, như Truyện Kiều, tập truyện thơ của đại thi hào Nguyễn Du vào đầu thế kỉ XVIII. Các tác phẩm của ông xoay quanh nhiều chủ đề phản ánh văn hoá Việt Nam. Những tác phẩm ra đời từ thập niên 1930 đến những năm 1940 phần lớn là tranh lụa, được vẽ bằng màu nước, mực, và gouache. Trước khi lên màu, ông sẽ làm ẩm lụa để tạo ra độ trong mờ, hoặc ngâm lụa với nước trộn mực đen để tạo chiều sâu cho nền. Bằng cách riêng của mình, nam nghệ sĩ đã kết hợp các phương pháp sáng tác của phương Tây cùng tranh thuỷ mặc cổ Trung Quốc và tranh lụa cổ truyền của Việt Nam, tạo ra phong cách hội hoạ của riêng mình.
Sau khi chuyển từ Paris về miền Nam nước Pháp vào năm 1949, Vũ Cao Đàm thử nghiệm với nhiều phương tiện khác nhau, tập trung nhiều hơn vào sơn dầu, có lúc còn thử trộn thêm trứng vào màu. Để so với giai đoạn trước đây, khi ông bị thu hút bởi các tác phẩm tiền Phục Hưng, tranh sơn dầu của ông bây giờ thể hiện sự ảnh hưởng được pha trộn giữa phong trào Phục hưng Ý và hậu Ấn tượng. Lúc bấy giờ, ông sống gần Nhà nguyện Matisse, và trở thành bằng hữu với Marc Chagall và Jean Dubuffet. Từ năm 1963, Vũ Cao Đàm chủ yếu sáng tác tranh sơn dầu, tập trung vào thể loại tranh biểu hình.