Tô Ngọc Vân
1906-1954
Tô Ngọc Vân được coi là một trong tứ kiệt của lịch sử Mỹ thuật Hiện đại Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ông buộc phải đi làm từ nhỏ để mưu sinh. Đến năm ba trung học phổ thông, Tô Ngọc Vân quyết định nghiêm túc theo đuổi đam mê nghệ thuật, dừng việc học và chuẩn bị cho kì thi tuyển trường Ecole des Beaux-Arts de l’Indochine. Ông tốt nghiệp vào năm 1931, đồng thời là người đạt điểm cao nhất lớp trong bài kiểm tra cuối cùng.
Từ đầu thập niên 1930, Tô Ngọc Vân đã thu hút nhiều sự quan tâm từ giới mộ điệu quốc tế khi tham gia Triển lãm Thuộc địa, Triển lãm Nghệ sĩ Pháp tại Paris, và Hội An Nam Chấn hưng Nghệ thuật và Kỹ nghệ. Trong khoảng thời gian này, tranh của ông chủ yếu sử dụng chất liệu sơn dầu với chủ đề như thiếu nữ Hà Nội và cảnh quan đô thị. Cách sử dụng màu sắc tài tình của nam hoạ sĩ thể hiện sự ảnh hưởng từ danh hoạ người Pháp Paul Gauguin. Ông thường sẽ phác hoạ trước khi bắt tay sáng tác một bức tranh. Năm 1939, ông bắt đầu dạy vẽ tại trường Ecole des Beaux-Arts de l’Indochine, và sau này được chính thức bổ nhiệm làm giáo sư.
Phong cách sáng tạo của Tô Ngọc Vân thay đổi rõ rệt từ sau năm 1943. Trong hoàn cảnh bom rơi đạn lạc tại Hà Nội, trường học buộc phải đi sơ tán, Tô Ngọc Vân cùng một nhóm hoạ sĩ chuyển đến Sơn Tây, nơi ông lần đầu chú ý đến đời sống nông dân. Khi gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều nhà cách mạng, Tô Ngọc Vân dần mong muốn các tác phẩm của mình có thể tiếp thêm sức mạnh cho đất nước và nhân dân. Kể từ đó, tranh của ông thường xoay quanh cuộc sống người dân và chiến trường. Năm 1954, ông theo chân binh đoàn đến chiến trường Điện Biên Phủ để vẽ ký hoạ các binh sĩ, nhưng không may thiệt mạng trong một trận đánh bom.
Được vinh danh là anh hùng dân tộc, Tô Ngọc Vân trở thành hình mẫu tiêu biểu của một người nghệ sĩ cống hiến cuộc đời mình cho đất nước. Năm 1996, nhà nước truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tác phẩm ‘Hai thiếu nữ và Em bé’ cũng được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2013. Tô Ngọc Vân ra đi để lại vợ mình, bà Nguyễn Thị Hoàn, và năm người con. Con trai thứ ba của ông, Tô Ngọc Thanh, là một hoạ sĩ nổi tiếng với những bức tranh mang âm hưởng của cha mình và danh hoạ Bùi Xuân Phái.