Nguyễn Phan Chánh
1892-1984
Nguyễn Phan Chánh được coi là cha đẻ của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Ông là người sáng tạo các bước từ chuẩn bị cho đến lên màu hay rửa lụa đầy độc đáo. Trong tranh của ông, ta có thể thấy các mảng màu lớn, thường mang sắc nâu; được nghệ sĩ cố tình sử dụng nhằm tạo sự liên tưởng về mặt thị giác với tranh khắc gỗ Đông Hồ, bắt nguồn từ văn hoá Việt Nam.
Sinh ra trong gia đình Nho giáo tại Hà Tĩnh, Nguyễn Phan Chánh được cha dạy nghệ thuật thư pháp từ khi còn nhỏ, mong muốn hướng ông trở thành một học sĩ Nho giáo. Cha ông qua đời khi ông lên bảy tuổi. Để giúp đỡ mẹ, Nguyễn Phan Chánh bắt đầu bán tranh cuộn trong chợ và vẽ tranh theo yêu cầu. Khi chính quyền Pháp thay đổi chương trình giáo dục, Nguyễn Phan Chánh không còn cơ hội tham gia thi khoa bảng theo chế độ phong kiến. Năm 1922, ông tốt nghiệp trường Đại học Sư Phạm Huế và bắt đầu giảng dạy tại trường Tiểu học Đồng Ba. Khi biết được thông tin về sự thành lập của trường l’Ecole des Beaux-Arts de l’Indochine (Trường Mỹ thuật Đông Dương) tại Hà Nội, ông quyết định rời xa quê hương và gia đình, lên Hà Nội và ghi danh vào trường và trở thành một trong những sinh viên khoá đầu tiên.
Nguyễn Phan Chánh theo học trường Mỹ thuật từ năm 1925. Vào kỳ thi tuyển sinh, ông nhận được số điểm cao nhất - là một trong ba thí sinh đạt được điều này xuyên suốt lịch sử hai thập kỉ của trường, cùng với Lê Phổ và Nguyễn Gia Trí. Nhờ những thực hành thư pháp từ khi thuở thơ ấu, việc sử dụng cọ không còn quá khó khăn, và ông tìm thấy sự yêu thích của mình với nghệ thuật tranh lụa.
Lấy cảm hứng từ tranh lụa Trung Hoa và Nhật Bản, Nguyễn Phan Chánh hình thành phong cách sáng tạo và kỹ thuật mang đậm chất cá nhân sau rất nhiều thử nghiệm khác nhau. Được nhấn mạnh bằng các mảng màu đất mạnh mẽ, tác phẩm của ông thường miêu tả cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam, điểm xuyết các chi tiết tinh tế. Bên cạnh đó, danh hoạ còn viết thêm thơ và ký ngày tháng, gắn liền với dấu dập tiếng Hán, trở thành điểm nhấn đặc trưng trong tranh của ông.
Nguyễn Phan Chánh thường bắt đầu quá trình sáng tác bằng các rửa lụa bằng nước ấm. Nam hoạ sĩ sẽ vẽ sẵn một bức tranh trên giấy, rồi lồng vào sau khung lụa. Bằng cách này, không ai có thể thấy được các vết phác thảo trên tranh. Sau đó, ông trực tiếp lên màu trên lụa, nhẹ nhàng rửa sạch lớp màu đã dịu, và rồi phơi khô. Quá trình này sẽ được lặp lại một vài lần cho đến khi ông hài lòng với màu sắc hoàn thiện.
Một kỹ thuật độc đáo khác của Nguyễn Phan Chánh chính là rửa lụa với trà, từ đó, tấm lụa sẽ mang màu sắc ngả vàng cũ kĩ. Những màu được thêm vào sau này sẽ hoà với các màu trước đó qua các lần rửa lụa. Chính vì cách xử lý lụa tỉ mỉ, một tác phẩm của ông thường sẽ mất nhiều tháng để hoàn thành. Nhờ vậy, màu sắc trong các tác phẩm của ông không bao giờ bị nhoà hay lẫn với các màu sắc khác, chứng minh cho tài năng và sự bền bỉ của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh.