Lê Thị Lựu
1911-1988
Được coi là nữ hoạ sĩ đầu tiên của Nghệ thuật Hiện đại Việt Nam, Lê Thị Lựu là một trong bốn hoạ sĩ bậc thầy làm việc tại nước ngoài, bên cạnh các tên tuổi như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Mai Trung Thứ.
Sinh ra vào năm 1911 trong một gia đình trí thức, Lê Thị Lựu được nuôi dưỡng theo những quy tắc đạo đức truyền thống kết hợp giữa văn hóa Việt Nam và Nho giáo, mặc dù cha bà được giáo dục trong hệ thống thuộc địa Pháp. Bà để tóc dài, nhuộm răng đen và mặc y phục cổ truyền. Từ nhỏ, Lê Thị Lựu theo chân cha mẹ đến nhiều vùng miền trong Bắc Kỳ (Tonkin). Năm 14 tuổi, gia đình bà chuyển đến Hà Nội. Năm 1927, bà đỗ trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương (Ecole des Beaux-Arts de l’Indochine), là một trong những sinh viên nữ hiếm hoi ở Việt Nam lúc bấy giờ. Lê Thị Lựu tốt nghiệp với vị trí thủ khoa, và giảng dạy tại trường Mỹ thuật Gia Định ở Sài Gòn trước khi sang Pháp cùng chồng, Ngô Thế Tân vào năm 1940. Sau một số lần thuyên chuyển công tác do công việc của chồng, Lê Thị Lựu quay lại và ổn định cuộc sống tại Paris vào năm 1948, và bắt đầu chuyên tâm sáng tác.
Tranh của Lê Thị Lựu mang đường nét mềm mại và nhẹ nhàng, thường khắc hoạ hình ảnh phụ nữ và trẻ em, với một số bức thể hiện tính mộng mơ được gợi lên trong thơ ca Việt Nam. Ban đầu, nữ hoạ sĩ phần lớn thực hành với chất liệu sơn dầu, trước khi chuyển sang tranh lụa vào giai đoạn sau này trong sự nghiệp nghệ thuật. Trong quá trình khám phá và hình thành các kỹ thuật cá nhân trên tranh lụa, bà đã thực hiện vài thử nghiệm sơn dầu trên lụa. Một trong số các tác phẩm sử dụng kỹ thuật này hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh.